Tìm kiếm

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Y Học : Bênh Trĩ

Hướng dẫn về Chẩn Đoán và Điều Trị Bịnh Trĩ

BS. Đồng Ngọc Khanh
Bối cảnh Lâm Sàng
Trĩ là một bịnh lý thường gặp, rất khó chịu và đôi khi nguy hiểm. Ước lượng 4.4% người trưởng thành ở Mỹ bị bịnh này. Tỉ lệ dân Luân Đôn bị trĩ là trên 30% ở các khoa khám và điều trị bịnh tổng quát. Trĩ là hậu quả của sự sụt và sa xuống của từ 1 đến 3 búi xơ mạch (fibrovascular cushions) của ống hậu môn. Tiêu bón, rặn nhiều, chế độ ăn ít chất xơ, và và những tình trạng tăng áp lực trong ổ bụng, như có thai chẳng hạn, góp phần hình thành trĩ.
Sau đây là tổng kết của nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực, đăng tải trên BMJ một tạp chí y khoa hàng đầu ở nước Anh, mục đích góp phần mô tả những phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nhất bịnh lý thường gặp ở cộng đồng này.

Các điểm quan trọng nhất
  • Trĩ có thể quan sát thấy qua soi hậu môn ở vị trí trái-ngoài, phải-trước, và phải-sau trong ống hậu môn. Trĩ ngoại ở phía dưới của đường lược (dentate line), có thể rất đau.
  • Triệu chứng thường gặp nhất ở bịnh trĩ là chảy máu hậu môn không đau, mặc dù bịnh nhân có thể than phiền thêm về ngứa hậu môn, sưng, sa búi trĩ, tiết dịch hoặc són phân. Khi đau hậu môn nhiều là đã có thuyên tắc hay nghẹt búi trĩ.
  • Bịnh nhân trên 40 tuổi có trĩ hoặc chảy máu hậu môn cần được làm thêm các xét nghiệm để loại trừ ung thư đại trực tràng.
  • Bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày là điểm mấu chốt trong điều trị bịnh trĩ. Điều này có thể làm giảm nhẹ chảy máu cùng với tất cả các triệu chứng khác và nên được thực hiện ở giai đoạn sớm của bịnh.
  • Các loại kem thoa tại chỗ có thể làm giảm đau tạm thời, tuy nhiên nên tránh dùng kéo dài.
  • Các loại thuốc trợ tĩnh mạch (venotonics) như flavonoids thường được dùng để điều trị trĩ ở Châu Âu và Viễn Đông nhưng hiệu quả của chúng chưa rõ ràng. .
  • Thắt bằng dây thun là một phương pháp điều trị trĩ hiệu quả. Có thể thắt đến 3 nút trong một lần thăm khám. Tiêm thuốc tê tại chỗ vào búi trĩ đã thắt hình như không làm dễ chịu hơn. Sau khi thắt trĩ có thể chảy máu kéo dài. Chống chỉ định thắt trĩ ở những bịnh nhân đang dùng thuốc kháng đông.
  • Không được chỉ định chích xơ cho những búi trĩ lớn, sa hoặc những búi trĩ có phần ở ngoài lớn (large external component). Đánh giá chung, phương pháp điều trị này không hiệu quả hơn so với tăng việc sử dụng chất xơ .
  • Cắt trĩ hở và kín (open and closed hemorrhoidectomy) hiệu quả với những búi trĩ lớn, có triệu chứng, cắt trĩ kín giúp vết thương mau lành hơn so với phương pháp hở. Bôi thuốc tại chỗ không đạt hiệu quả giảm đau sau phẫu thuật.
  • Thắt động mạch trĩ qua hướng dẫn của siêu âm Doppler (Doppler-guided hemorrhoidal artery ligation) tương đối ít đau, và có đến 60% bịnh nhân hài lòng với phương pháp điều trị này trong thời gian ngắn hạn
  • Cắt trĩ bằng kẹp (stapled hemorrhoidopexy) ít đau và ít làm bịnh nhân mất sức hơn phương pháp cắt trĩ qui ước mặc dầu cắt trĩ bằng kẹp có thể đi kèm với tỉ lệ tái phát trĩ cao hơn.

Kết Luận
  • Chảy máu từ trực tràng và không đau là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của trĩ.
  • Tăng chất xơ trong khẩu phần là biện pháp bảo tồn đầu tiên để điều trị bịnh trĩ. Để điều trị các dạng trĩ phức tạp hơn, những kỹ thuật được chọn dùng gồm có: thắt trĩ bằng dây thun,cắt trĩ bằng phương pháp qui ước; thắt động mạch trĩ dưới sự hướng dẫn của siêu âm Doppler và cắt trĩ bằng stapler (stapled hemorroidopexy).

Một số hình ảnh minh hoạ:

Không có nhận xét nào: