Tìm kiếm

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Y Học : Chứng Đục Thủy Tinh Thể

 

BS.Trần Lý Lê
Chứng Đục Thủy Tinh Thể hay "Cataract" còn gọi là "Lens opacity".

Thủy tinh thể trong mắt thường trong suốt như thủy tinh, khi thủy tinh thể trở nên đục thường gây giảm thị lực. Người bị đục thủy tinh thể nhìn vật thể qua một màn sương mù, sương mù càng dày, vật thể càng mờ nhạt. Khi đục thủy tinh thể đến mức trầm trọng, ta cần đến giải phẫu. Đây là một cách chữa trị hiệu quả dễ dàng và an toàn.

Dấu hiệu và triệu chứng
• Giảm thị lực, vật thể mờ nhạt, không rõ
• Khó trông thấy vật thể vào buổi tối
• Ánh sáng gay chói mắt, khó chịu
• Vật thể có vòng ánh sáng chung quanh ("halos")
• Bác sĩ cần đổi kính hoặc kính áp tròng thường xuyên
• Màu sắc trở nên "vàng" hoặc mờ nhạt
• Nhìn ra hình đôi

Thoạt tiên, sự vẩn đục chỉ ảnh hưởng đến phần nhỏ của thủy tinh thể nên ta thường không nhận ra sự sút giảm thị lực. Khi mức vẩn đục gia tăng, ánh sáng đi qua mắt bị méo mó và vật thể trở nên mờ nhạt. Lúc ấy, triệu chứng rõ ràng hơn.

Khi nào thi cần khám mắt?
Khi thấy thị lực thay đổi, hãy đi khám mắt và đi khám mắt ngay khi vật thể mờ nhạt hoặc thành hình đôi.

Nguyên nhân
Đục thủy tinh thể xuất hiện từ từ vào tuổi già hoặc do thương tổn tạo ra sự thay đổi tại các tế bào thủy tinh thể. Hiếm khi chứng đục thủy tinh thể xuất hiện khi chào đời trong trẻ sơ sinh; tình trạng này gọi là "congenital cataracts".
Thị lực giảm từ từ cho đến khi mờ hẳn, không gây đau đớn và thường xuất hiện trong cùng gia tộc.

Đục thủy tinh thể xuất phát và tiến triển nhanh hơn trong những người hút thuốc, bị nhiễm độc hoặc tắm nắng thường xuyên. Chứng tiểu đường khiến đục thủy tinh thể phát nhanh chóng. Thuốc men như cortisone gia tăng đục thủy tinh thể nhanh chóng.

Sự vẩn đục thủy tinh thể thành hình ra sao?
Thủy tinh thể nằm sau iris (phần nâu đen trong mắt). Thủy tinh thể hội tụ các tia sáng chiếu đến mắt taọ ra hình ảnh rõ ràng trên võng mạc (màng thu nhận ánh sáng trong mắt, hoạt động như phim trong máy chụp ảnh).
http://i391.photobucket.com/albums/oo360/Yhoc2008/cataract.gif

Khi thủy tinh thể bị vẩn đục, ánh sáng tản ra khiến hình ảnh mang tới võng mạc không còn rõ nữa. Hậu quả là thị lực bị giảm sút.
Khi lớn tuổi, thủy tinh thể trở nên bớt dẻo, bớt trong và dày thêm. Do đó, tế bào thủy tinh thể dễ hư hoại và đóng cục, tạo ra những vẩn đục. Khi các vẩn đục này tiếp tục tăng trưởng và dày hơn, thị lực càng sút giảm.
Đục thủy tinh thể có thể xảy trong 1 hoặc cả 2 mắt.

Các loại đục thủy tinh thể

• Đục thủy tinh thể tại tâm điểm của mắt (nuclear cataracts). Chứng bệnh này gây cận thị, đôi khi thị lực khá hơn trong một giai đoạn ngắn nhưng qua thời gian, thủy tinh thể trở nên vàng đục và ngăn ánh sáng hoàn toàn. Nuclear cataract tạo ra hình ảnh đôi hoặc ba, bốn lần (một vật thể nhìn ra như 2, 4 vật thể). Khi căn bệnh tiến triển, vẩn đục trở thành nâu, người bệnh không còn phân biệt được màu sắc nữa.
• Đục thủy tinh thể xuất hiện tại bìa (rìa) mắt (cortical cataracts). Chứng bệnh này bắt đầu bằng vẩn trắng hình nón hoặc một vệt trắng tại rìa mắt; khi gia tăng, các vệt trắng này tiến dần vào tâm điểm của mắt và "bẻ cong" các tia ánh sáng gây chói mắt rất khó chịu.
• Đục thủy tinh thể xuất hiện tại mặt sau (posterior subcapsular cataracts). Chứng bệnh này khởi đầu bằng một vẩn đục nhỏ, trên đường đi của ánh sáng từ thủy tinh thể đến võng mạc. Subcapsular cataract ảnh hưởng đến thị lực rất nhiều gây mờ mắt, chói mắt khi ra ánh sáng và tạo ra vòng tròn mờ quanh tia sáng (halo) vào buổi tối.
• Đục thủy tinh thể bẩm sinh (congenital cataracts). Đục thủy tinh thể xuất hiện khi chào đời hay trong thời niên thiếu. Loại đục thủy tinh thể có thể do việc nhiễm trùng cùa người mẹ trong thai kỳ hoặc do di tính như bệnh Alport's syndrome, Fabry's disease và galactosemia (galactose, một loại đường, gia tăng trong máu). Chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể không gây mờ mắt và không cần chữa trị cho đến khi giảm thị lực.

Các yếu tố gia tăng tỷ lệ bị đục thủy tinh thể
• Tuổi tác
• Tiểu đường
• Uống quá nhiều rượu
• Dãi nắng thường xuyên
• Tiếp xúc với chất phóng xạ
• Thân nhân bị đục thủy tinh thể
• Cao huyết áp
• Mập phì
• Thương tổn hoặc viêm mắt
• Giải phẫu tại mắt
• Dùng dược phẩm chứa corticosteroid quá lâu
• Hút thuốc

Sửa soạn khi đi khám bệnh
Nên sửa soạn khi đi khám mắt; nếu bị đục thủy tinh thể, bạn sẽ cần gặp bác sĩ nhãn khoa người có khả năng thực hiện một cuộc giải phẫu tại mắt (ophthalmologist, không phải optometrist).
• Ghi chép rõ ràng chi tiết các triệu chứng, kể cả những triệu chứng dường như không liên qan gì đến mắt.
• Ghi chép các chi tiết cá nhân, những thay đổi trong đời sống và cả bệnh tật của thân nhân.
• Lập danh sách các món thuốc đang dùng kể cả sinh tố, dinh dưỡng phụ và dược thảo.
• Nếu cần, đi khám mắt cùng thân nhân.
• Viết sẵn các điều muốn hỏi bác sĩ.

Những điều nên hỏi có thể bao gồm
• Đục thủy tinh thể gây ra trở ngại tôi đang gặp?
• Nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng này?
• Tôi sẽ cần các loại thử nghiệm nào?
• Tôi có cần giải phẫu không?
• Cuộc giải phẫu sẽ phục hồi thị lực?
• Có rủi ro nào khi giải phẫu?
• Tôi có thể lái xe sau khi mổ không?
• Thời gian phục hồi là bao lâu?
• Tôi có cần thay đổi sinh hoạt hàng ngày không? Bớt hoạt động trong bao lâu?
• Sau khi giải phẫu, tôi cần chờ bao lâu mới thay kính mắt?
• Medicare có trả chi phí giải phẫu không? Medicare có trả tiền thay kính mới không?
• Tôi có thể chần chờ bao lâu để quyết định về giải phẫu?
• Nếu tôi chờ đợi 1 năm thì ảnh hưởng đến giải phẫu ra sao?
• Nếu không mổ tôi cần làm gì để giúp nhìn rõ hơn?
• Làm thế nào để biết là đục thủy tinh thể đã trở nặng?
• Tôi có những chứng bệnh ..., làm thế nào để phối hợp các thuốc men cần thiết?
• Tôi có cần theo một cách chăm sóc đặc biệt nào không?
• Tôi có cần gặp bác sĩ chuyên khoa? Chi phí là bao nhiêu, bảo hiểm của tôi có trả không?
• Có tài liệu nào để tôi đọc thêm không? Tranh nhà nào có những tin tức về đục thủy tinh thể?
• Khi nào thì tôi cần tái khám?

Đặt câu hỏi, hỏi lại nếu bạn chưa hiểu rõ về bất cứ chi tiết nào.

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi như
• Triệu chứng bắt đầu khi nào?
• Triệu chứng xuất hiện liên tục hay chỉ thỉnh thoảng?
• Có triệu chứng nào không vào buổi tối?
• Các triệu chứng nặng nhẹ ra sao?
• Triệu chứng này có gây khó khăn khi lái xe không? Khi đọc sách báo? Khi làm việc?
• Đã mổ mắt bao giờ chưa?
• Đã bị thương tại mắt?
• Đã bị viêm mắt như iritis?
• Đã chịu xạ trị đến đầu cổ?
• Đang dùng các thuốc men nào?

Chẩn bệnh & Thử nghiệm
Bác sĩ có thể thực hiện các thử nghiệm sau:
- Đọc bảng chữ / số để đo mức rõ của thị lực (visual acuity test). Mỗi mặt được thử riêng. Cách đo này cho biết thị lực của mắt, có hoàn hảo 20/20 hay không.
- Bác sĩ dùng kính hiển vi để quan sát các cấu trúc trong mắt (slit-lamp examination) như giác mạc (cornea), iris, thủy tinh thể (lens), và các khoảng trống giữa iris và giác mạc.
• Bác sĩ dùng thuốc để đồng tử (con ngươi) nở lớn và quan sát võng mạc (retinal examination).

Cách chữa trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất là giải phẫu.

Khi nào thì nên mổ
Hãy thảo luận với bác sĩ xem giải phẫu có thích họp cho bạn không. Hầu hết các bác sĩ đều đề nghị mổ khi thị lực giảm sút đến mức ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày hay công việc làm ăn, nhất là lái xe ban đêm.
Việc chờ đợi thường không ảnh hưởng đến cuộc giải phẫu hay sự phục hồi thị lực hậu giải phẫu. Vì vậy nên suy nghĩ thiệt hơn cẩn thận và thảo luận các chi tiết với bác sĩ của mình.
Nếu chọn việc chờ đợi nên khám mắt định kỳ để bác sĩ tiện theo dõi.

Giải phẫu chữa trị đục thủy tinh thể
http://i391.photobucket.com/albums/oo360/Yhoc2008/cataract-surgery.jpg

Bác sĩ cắt bỏ thủy tinh thể đã vẩn đục và ghép thủy tinh thể nhân tạo vào mắt.
Với một số bệnh nhân, các chứng bệnh trong mắt sẽ khiến việc ghép kính không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, khi vẩn đục ược cắt bỏ, người bệnh dùng kính để phục hồi thị lực.
Bác sĩ mổ mỗi mắt một lần, chờ vài tuần lễ phục hồi rồi mổ mắt còn lại. Cuộc giải phẫu thực hiện tại trung tâm y khoa, bệnh nhân ra về sau khi mổ, không cần ở lại bệnh viện.
Khi mổ, bác sĩ dùng thuốc tê và bệnh nhân thức. Đây là cuộc giải phẫu tương đối dễ dàng, an toàn hiếm khi có biến chứng như xuất huyết hoặc nhiễm trùng. Giải phẫu thủy tinh thể gia tăng sự rủi ro bong võng mạc (retinal detachment).

Sinh hoạt hàng ngày
Để tiết giảm các khó khăn từ chứng đục thủy tinh thể, bạn có thể:
• Dùng kính / kính áp tròng đúng độ
• Dùng kính phóng đại khi đọc
• Trong nhà, dùng đèn sáng
• Đeo kính mát hay đội mũ nón khi ra nắng để giảm chói mắt
• Bớt / tránh lái xe vào ban đêm

Phòng ngừa
Dù chưa biết chắc chắn nguyên nhân nhưng ta có thể phòng ngừa đục thủy tinh thể bằng cách:
• Khám mắt định kỳ, khám mắt sẽ giúp tìm ra bệnh trạng sớm hơn.
• Ngưng hút thuốc.
• Đeo kính. Tia cực tím từ ánh nắng có thể gây đục thủy tinh thể.
• Chữa trị đúng mức các chứng bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp. Các chứng bệnh này có thể gia tăng rủi ro bị đục thủy tinh thể.
• Giữ trọng lượng cơ thể ở mức trung bình. Nếu bị mập phì, cần giảm cân.
• Chọn thức ăn uống đủ chất dinh dưỡng bao gồm cả rau và trái cây.


*Tài liệu của Mayo Clinic, MedicineNet

Không có nhận xét nào: